Tham vấn ý kiến cử tri và Nhân dân trong hoạt động của HĐND

Bài 1: Tạo đà cho chính sách có sức sống mạnh mẽ

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:03 - Chia sẻ

Là một hoạt động sinh động với nhiều hình thức thể hiện, tham vấn ý kiến Nhân dân đã khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả đối với việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tham vấn không chỉ là cầu nối giữa chính quyền, đại biểu dân cử và người dân mà còn tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, đồng thời góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan dân cử, tạo điều kiện cho các chính sách của cơ quan dân cử có sức sống mạnh mẽ, lâu bền hơn. Đây cũng là công cụ hữu hiệu giám sát việc thực thi các quyết sách của HĐND nói riêng và Hiến pháp, pháp luật nói chung trên các lĩnh vực.

Hoạt động sinh động với nhiều hình thức thể hiện

Theo tác giả Hoàng Phê: Tham vấn” là hỏi hoặc đưa ra ý kiến để tham khảo, thường về vấn đề có tính chất chuyên môn (Từ điển Tiếng Việt (In lần thứ 5), Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng, trang 1.174). Tham vấn là quá trình trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giúp tổ chức, cá nhân cần tham vấn hiểu rõ bản chất vấn đề, nắm vững những cách giải quyết và đưa ra phương án giải quyết tối ưu. Tham vấn ý kiến Nhân dân trong hoạt động của HĐND là việc HĐND đưa ra các vấn đề trong quá trình thực thi chức năng quyết định và giám sát của mình để tham khảo, trao đổi nhằm nhận được những đóng góp, chia sẻ của cử tri và Nhân dân.

Trong hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và hoạt động của HĐND nói riêng, tham vấn ý kiến Nhân dân không còn xa lạ. Việc người dân đóng góp ý kiến thông qua tiếp xúc, liên hệ với đại biểu đã được thực hiện. Tham vấn ý kiến Nhân dân dưới hình thức lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào dự thảo Hiến pháp và các dự thảo luật, pháp lệnh cũng như nhiều vấn đề có quan hệ tới lợi ích rộng rãi của người dân cũng được thực hiện từ lâu, riêng việc lấy ý kiến vào dự thảo Hiến pháp được thực hiện rộng rãi từ Hiến pháp năm 1980. Từ đó đến nay, hoạt động này đã được tiến hành thường xuyên hơn.

Tuy chưa gọi rõ cụm từ “tham vấn ý kiến Nhân dân” nhưng các hoạt động mang bản chất tham vấn ý kiến Nhân dân đã và đang được thực hiện dưới nhiều hình thức trong hoạt động của cơ quan dân cử như: TXCT; hội nghị, tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật, pháp lệnh, điều trần về một số quyết sách mà HĐND dự kiến ban hành... Bên cạnh tổ chức TXCT trước và sau kỳ họp HĐND, hoạt động TXCT theo chuyên đề cũng được khuyến khích vận dụng, nhất là trước kỳ họp đối với các dự thảo nghị quyết chuyên đề.

Việc lấy ý kiến Nhân dân cũng được một số Luật quy định rõ trong các điều khoản. Cụ thể như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc lấy ý kiến Nhân dân vào các văn bản QPPL, trong đó có nghị quyết của HĐND được quy định thành công đoạn riêng: Ban soạn thảo có nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về dự án, dự thảo; tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định rõ về việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Một hội nghị trực tuyến tham vấn ý kiến nhân dân đối với các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 - ẢNH THANH HÀ
Một hội nghị trực tuyến tham vấn ý kiến nhân dân đối với các dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021
 Ảnh: Thanh Hà

Minh bạch hoạt động của HĐND

Các hình thức biểu hiện khác của tham vấn ý kiến Nhân dân được nhiều địa phương vận dụng linh hoạt, nhằm đổi mới hoạt động của HĐND như điều trần, tọa đàm, hội thảo, đối thoại… Cũng có những địa phương đã chỉ đích danh tham vấn ý kiến Nhân dân đối với một số nội dung chuyên đề cụ thể mang lại hiệu quả cao, tạo thành điểm nhấn trong hoạt động của cơ quan dân cử, như thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang... Từ đó, tạo đà để HĐND ban hành các quyết sách có tính khả thi và minh bạch hóa hoạt động của cơ quan dân cử theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết của Đảng.

Một trong những địa phương vận dụng việc tham vấn ý kiến Nhân dân trong hoạt động của HĐND là tỉnh Lào Cai. Năm 2008, Lào Cai được lựa chọn là một trong 3 địa phương (hai địa phương còn lại là TP. Hồ Chí Minh và Nghệ An) trong cả nước thực hiện thí điểm đề án tham vấn ý kiến Nhân dân trong việc ban hành và thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vi Lam Sơn, tham vấn ý kiến Nhân dân là một việc làm rất quan trọng đối với hoạt động của HĐND tỉnh nhằm thông báo, lắng nghe và thảo luận với những người dân đang chịu tác động của một nghị quyết, một chính sách nào đó hoặc những người liên quan quan tâm đến các chính sách, giải pháp sắp được ban hành. Qua đó, người dân có thể bày tỏ quan điểm, mong muốn và nguyện vọng của mình, còn Thường trực HĐND tỉnh sẽ thu thập được những thông tin "nóng hổi" và phong phú, đa dạng của đời sống, giúp cho những quyết đáp của HĐND tỉnh sẽ đúng, trúng với thực tiễn hơn.

Qua thực tiễn vận dụng tại một số chuyên đề như tham vấn về mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, quy định giá đất, sản xuất nông nghiệp, vấn đề giảm nghèo của tỉnh Lào Cai, vấn đề thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn... cho thấy, việc tham vấn ý kiến Nhân dân đã khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả đối với việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tham vấn không chỉ là cầu nối giữa chính quyền, đại biểu dân cử và người dân mà còn tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, đồng thời góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan dân cử. Thực hiện hình thức này sẽ tạo điều kiện cho các chính sách của cơ quan dân cử có sức sống mạnh mẽ hơn.

Mặc dù chưa gọi là tham vấn ý kiến Nhân dân trong hoạt động nhưng có thể khẳng định nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng rất linh hoạt việc tham vấn ý kiến Nhân dân trong đổi mới hoạt động thông qua hoạt động khá mới đối với cơ quan dân cử, đó chính là “điều trần”. Là tỉnh tổ chức “điều trần” khá sớm trong hoạt động của cơ quan dân cử, từ nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức một số cuộc điều trần liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, được cử tri quan tâm. Đó là việc tổ chức điều trần phục vụ ban hành chính sách mới. Điều trần cũng được HĐND tỉnh Hà Tĩnh vận dụng vào việc làm rõ các vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách.

Hiệu quả là đã làm rõ hơn trách nhiệm cũng như chỉ ra được các vướng mắc, khó khăn, từ đó có các giải pháp bảo đảm cho HĐND ban hành được các chính sách có sức sống lâu bền hơn. Đây cũng là công cụ hữu hiệu giám sát việc thực thi các quyết sách của HĐND nói riêng và hiến pháp, pháp luật nói chung trên các lĩnh vực.

BÌNH NGUYÊN – PHƯƠNG NGUYÊN